Đừng chăm sóc da như một thói quen

Đừng chăm sóc da như một thói quen

Không nên có thứ gọi là thói quen tốt hay thói quen xấu.

Chúng ta không nên có thói quen chăm sóc da tốt, ăn uống lành mạnh, ngủ sớm dậy sớm hay bất cứ điều gì khác… Nghe có vẻ vô lí nhưng thực sự là như vậy.

Mình sẽ giải thích ngay bây giờ!

Thói quen nghĩa là bạn đang hành động một cách vô thức

Thói quen nghĩa là một hành động cố định theo bản năng mà không phải suy nghĩ gì khi làm nó. Bạn thức dậy vào buổi sáng và nó sẽ xảy đến, bạn bước vào nhà tắm và nó sẽ xảy đến, bạn ngồi lên bàn ăn và nó sẽ xảy đến…

Bạn thức dậy nhưng không quan tâm đến những thay đổi xung quanh hoặc bên trong cơ thể. Bạn đánh răng nhưng không chú tâm vào từng chiếc răng của mình. Bạn dùng một sản phẩm để rửa mặt mà không quan tâm làn da cảm thấy thế nào. Bạn làm những việc như đang chăm sóc cơ thể nhưng không để tâm vào cơ thể, lắng nghe và quan sát nó.

Đến giờ, bạn ăn. Đến giờ, bạn ngủ. Đến thời điểm, bạn chăm sóc da. Bạn sẽ sử dụng những sản phẩm mà người ta nói hãy dùng chúng đi. Bạn cũng sẽ ở trong những quy trình đủ các bước phức tạp không cần thiết và cứ thế hằng ngày. Bạn dần quen với chúng và mất đi sự chủ động trong tất cả mọi thói quen.

Khi làm điều gì đó theo thói quen nghĩa là bạn đang làm điều đó một cách vô thức. Nếu chỉ sống, hoạt động hay làm việc gì đó lặp đi lặp lại một cách không có ý thức, đó là một điều xấu.

Sự tự động hóa không dành cho con người

Sự tự động hóa là phương thức vận hành (cách hoạt động) của máy móc. Cơ thể chúng ta phải hoạt động thông minh và có ý thức, không nên hoạt động như một cái máy. Bạn cần sự chủ động và chú tâm.

Sự khác biệt lớn nhất về trí tuệ và tư duy cấp cao nhất sắp xếp cho con người làm mọi việc một cách có ý thức. Không giống như loài vật hay máy móc chỉ làm mọi thứ theo thói quen một cách vô thức hoặc theo trình tự được lập trình sẵn mà không cần phải tư duy bất cứ điều gì.

Đỉnh cao của tĩnh thức là quán hơi thở. Những người có thể thở một cách có ý thức đều nhận biết mọi thứ đang xảy ra bên trong cơ thể và xung quanh họ.

Chúng ta có thể thở, chăm sóc da, ăn uống ngủ nghỉ… một cách vô ý thức hay chúng ta có thể thở, chăm sóc da, ăn uống ngủ nghỉ… một cách có ý thức? Mọi thứ chúng ta làm, hãy làm một cách có ý thức.

Khoảnh khắc làm điều gì đó có ý thức, chúng ta trông rất tinh tế và tuyệt vời. Người ta hay nói về cụm từ “có ý thức”, nghĩa là khi ai đó nói năng, hành động, làm việc,… tuy chỉ là những việc nhỏ nhặt với sự tư duy có ý thức, người đó thật tuyệt vời.

Vậy tại sao chúng ta lại cố gắng hình thành những thói quen để hoạt động vô thức như đó là một việc tốt.

Đừng hành động như loài vật hay một cái máy theo 1 thói quen ngày này qua ngày khác. Những thói quen đó sẽ giết chết cảm xúc và sự tĩnh thức theo thời gian, biến bạn trở thành một người vô cảm với tất cả mọi thứ xung quanh hay với cơ thể của chính mình.

Trong tình yêu, nếu bạn cứ thường xuyên lặp lại những hành động (dù là tốt) theo thói quen nhưng không đặt tâm trí vào, lâu dần chính thói quen này sẽ giết chết cảm xúc dành cho đối phương. Bạn chỉ nghĩ đó là những việc phải làm trong vô thức mà không cảm thấy hạnh phúc, không cảm nhận được sự rung động nữa.

Điều này đúng với mọi khía cạnh trong cuộc sống, không chỉ riêng tình yêu, ăn, ngủ hay chăm sóc da…

Hãy thay đổi cách suy nghĩ về những thói quen tốt

Sức mạnh của truyền thông quảng cáo rất khủng khiếp, nó khiến cho bạn làm mọi thứ một cách vô thức theo những gì được sắp đặt. Đừng áp đặt cơ thể của chính mình chỉ vì sức ép của quảng cáo, xã hội, người nổi tiếng, báo chí, TV, thần tượng của bạn… Chỉ có cơ thể của bạn là của bạn, là tiếng nói trung thực và quan trọng nhất.

Hãy thay đổi định nghĩa về thói quen trong 1 ngày. Thói quen tốt không phải khi bạn làm một việc gì đó lành mạnh lặp đi lặp lại. Điều đúng đắn phải là bạn thực hiện điều đó với sự chủ động, chú tâm, chủ đích để đạt được lợi ích cho chính bạn hoặc cho người khác.

Mình không ăn gà rán hay xúc xích không phải vì thói quen ăn uống mà vì mình biết nó không tốt cho cơ thể. Mình ăn nhiều và thường xuyên 1 thứ gì đó không phải vì cảm giác ngon miệng mà vì mình biết nó tốt cho cơ thể. Tất nhiên sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn thích ăn những thứ tốt và vẫn cảm thấy ngon miệng. Bạn đang cho thấy một sự kết nối tuyệt vời với cơ thể, bạn chính là một khối thống nhất. Bởi vì nếu như tâm trí mạnh mẽ của bạn bảo rằng đó là thức ăn tốt, bạn sẽ ăn nhiều hơn để đồng điệu đến mức trở nên yêu thích nó.

Dĩa rau luộc không ngon hơn dĩa rau xào (về cảm nhận, giác quan). Nhưng khi chọn ăn dĩa rau luộc là khi bạn biết dầu mỡ và gia vị không tốt cho cơ thể. Đó là sức mạnh của tâm trí chủ động, hãy điều khiển tất cả các giác quan trên cơ thể theo tâm trí kể cả vị giác theo những gì bạn cảm nhận. Thông thường ở độ tuổi 30 trở đi khi hệ quả của thói quen ăn uống và sinh hoạt không phù hợp bắt đầu biểu hiện ra ngoài chúng ta mới bắt đầu chịu lắng nghe cơ thể nhiều hơn.

Tương tự, ngủ dậy sớm không nên được gọi là là một thói quen tốt. Con người chúng ta có đồng hồ sinh học riêng. Nếu bạn đặt báo thức và thức dậy vào lúc 5:00 sáng trong 1-2 tuần, vào tuần thứ 3 bạn cũng dậy vào lúc 5:00 không cần báo thức vì cơ thể cũng chính là một chiếc đồng hồ. Như vậy, nhiều người gọi việc dậy sớm lúc 5h mỗi ngày là một thói quen tốt, mình thì không.

Hãy thay đổi định nghĩa của bạn sau khi xem xét vài điều sau. Đó không hẳn là thói quen, đó là đồng hồ sinh học của cơ thể. Bạn sẽ thức dậy một cách vô thức. Và nếu sau khi thức dậy bạn mở máy xem phim dài tập, đọc truyện tranh để giải trí, suy nghĩ miên man về những đau khổ ngày hôm qua, đi vô ra không biết làm gì và lại trở vào ngủ tiếp. Sau đó bạn thức dậy muộn hơn nữa với tâm trạng tiêu cực hơn nữa. Vậy “thói quen dậy sớm lành mạnh” cần phải định nghĩa lại.

Dậy sớm chỉ tốt khi bạn chủ đích dùng thời gian có được đó làm những việc có ích, ví dụ như tập thể dục, đọc sách, thiền định, yoga, chuẩn bị bữa sáng lành mạnh… Vậy thì rõ ràng việc bạn dậy sớm không chỉ là một thói quen, nó đã là một sự chủ động có chủ đích, để hoàn thành việc này việc kia và cho mình thời gian khởi động trước khi một ngày mới bắt đầu. Đó không phải là bản năng, là một sự sắp xếp và hoạt động có ý thức.

Hành động có ý thức và lắng nghe cơ thể

Thức ăn hay nước uống phải phù hợp với cơ thể nhằm mục đích xây dựng chứ không phải là phá hoại cơ thể. Vì thức ăn hay hay nước uống sẽ trở thành một phần cơ thể, là nguyên liệu xây dựng cơ thể.

Loại thức ăn nước uống nào là phù hợp. Chỉ khi không ăn uống theo thói quen bạn mới có thể trả lời cho câu hỏi này. Vì lúc đó bạn chủ động trong ăn uống, dùng trí não để xem xét thứ gì là tốt và thứ gì là xấu.

Tương tự với mỹ phẩm hoặc thứ gì sử dụng trên da. Hãy coi làn da như thành dạ dày, vì dạ dày thì hấp thụ chất (dinh dưỡng hoặc độc hại) từ thức ăn, da hấp thụ chất (tốt hoặc xấu) từ mỹ phẩm.

Truyền thống người Việt Nam xưa ăn uống hợp lí, ít vừa đủ, ăn chín uống sôi, ít đạm nhiều rau. Cơ thể họ khỏe mạnh cho đến khoảng 30 năm trước khi sự hiện đại hóa và công nghiệp hóa cùng những nền văn hóa khác đã tràn vào đem theo những thức ăn công nghiệp, chế biến sẵn, thịt nguội, xúc xích, sữa bò, sữa công nghiệp….

Hiện nay thực phẩm bên ngoài là gì? Chỉ là những thứ đánh lừa cảm giác cho chúng ta thấy ngon miệng, kích thích vị giác…. Đa phần thức ăn nước uống chế biến sẵn bên ngoài đều có hại cho cơ thể và mang lại bệnh tật. Con người đang mất dần sự cảm nhận về thức ăn và mối liên hệ với cơ thể. Chúng ta dần dần không thể phân biệt các vị chua cay mặn đắng mà phụ thuộc dần vào những thứ hóa chất nhân tạo ví dụ như chất điều vị…

Ví dụ về việc lắng nghe cơ thể: Mình đi khám bệnh không phải để chữa bệnh mà chỉ để tìm ra bệnh. Việc lắng nghe cơ thể cho mình sự cảm nhận nhất định về cơ quan không khỏe. Bác sĩ sẽ chắc chắn về vấn đề và mình sẽ chọn giải pháp điều chỉnh. Không phải bác sĩ bảo uống kháng sinh – thuốc tây thì mình sẽ uống. Mình biết điều gì phù hợp với bản thân vì mình hiểu cơ thể mình hơn 1 người xa lạ chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền nhờ bán thuốc.

Trước tiên mình sẽ trừ bỏ hoặc hạn chế các nguyên nhân gây bệnh, thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống và luyện tập, cộng thêm việc chữa bệnh bằng tâm trí, thiền định yêu thương cơ thể và suy nghĩ tiêu cực. Khi không để ý đến bệnh nữa sau một thời gian sẽ tự khỏe lại mà không cần nghe bất cứ lời khuyên nào đến từ ai kể cả đó là một chuyên gia.

Chắc chắn đã đến lúc nhìn nhận lại điều gì là thích hợp.

Lắng nghe làn da của bạn

Riêng về chăm sóc da, bạn phải trải nghiệm không chỉ bằng mắt, bằng tay, bằng làn da mà phải bằng cả cơ thể. Bạn sử dụng thứ gì đó lên da và xem, chỉ cần cảm thấy làn da cảm thấy như thế nào, nhẹ nhàng hay nặng trĩu, thoáng mát hay bí bách, thư giãn hay nóng rát… sau khi sử dụng sản phẩm bất kì.

Nếu bạn cảm thấy nó muốn thoát ra khỏi những lớp mỹ phẩm ngay lập tức, đó là những gì ko tốt. Nếu dùng những thứ chăm sóc bên ngoài mà làn da của bạn cảm thấy dịu nhẹ, thư giãn, thông thoáng và thoải mái, nghĩa là cơ thể và làn da của bạn ưa thích nó. Nếu bạn cảm thấy làn da phản ứng hoặc kích ứng dù chỉ là một chút, làn da của bạn thực sự đang gặp khó khăn với sản phẩm đó. Đó là cách lắng nghe cơ thể. Rất đơn giản, nhưng nếu chỉ làm như một thói quen mà không cảm nhận hay quan sát, bạn sẽ không thể lắng nghe và hiểu cơ thể mình.

Cụm từ “thói quen chăm sóc da hàng ngày” là thuật ngữ thao túng. Điều này nghĩa là bạn phải làm như vậy hàng ngày, đúng và đầy đủ các bước bằng những sản phẩm đó. Mặc dù nhà sản xuất hoặc truyền thông không nói rõ ý này, nhưng bạn sẽ tự ám thị vào suy nghĩ và tự nhiên cho rằng đó là một thói quen tốt và đúng đắn. Bạn sẽ làm nó như một bản năng mà không hề tư duy hay cảm nhận và lắng nghe cơ thể, đó là một điều xấu.

Trong chăm sóc da, bạn dùng một loại mỹ phẩm nào đó không nên theo một thói quen. Dùng một loại mỹ phẩm hữu cơ không phải vì bạn có thói quen sống healthy mà vì bạn biết rõ cái này tốt và cái kia là không tốt. Bạn tự ý thức và điều khiển tất cả mọi quyết định và hành động trong cuộc đời mình không phụ thuộc vào người khác nói gì với bạn, bao gồm việc lựa chọn mỹ phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *